Sáng tạo và ý tưởng Hokage đệ lục

Kishimoto Masashi ban đầu dự tính cho Hatake Kakashi ra mắt trong chương 2 của manga Naruto, xuất hiện trước các thành viên khác của Đội 7. Kakashi này ban đầu được thiết kế là một ninja vô tư nhưng kỹ năng điêu luyện, và thường kết thúc câu nói của mình bằng kính ngữ "de gozaru" trong các phiên bản tiếng Nhật của bộ truyện. Sau khi thảo luận với biên tập viên của mình, Kishimoto dời màn ra mắt này để ông có thời gian xây dựng Kakashi và các thành viên còn lại của Đội 7 tốt hơn.[5] Dù vậy, Kakashi vẫn giữ được nhiều nét tính cách trong phiên bản gốc, chẳng hạn như dễ tính, không bối rối trước hành động của người khác và đôi mắt như thể đang ngái ngủ. Kishimoto cảm thấy rằng ý tưởng này khiến cho Kakashi trở thành một người hướng dẫn dễ gần và giúp cho những thành viên cá tính của Đội 7 giữ được sự đoàn kết.[6] Trong thời gian đầu vẽ bộ manga, Kakashi được thiết kế như một samurai nhưng tác giả không chắc nhân vật này sẽ làm gì trong tác phẩm. Khi nghĩ về việc giáo viên của nhân vật chính sẽ cư xử như thế nào, Kishimoto có lúc hình dung Kakashi là một người trưởng thành thô lỗ. Tuy nhiên, ông không hài lòng với kiểu tính cách này nên soạn lại thành một người thoải mái hơn. Tác giả thấy khắc họa này thật buồn cười nhưng trong những tình huống nghiêm túc, ông vẫn thể hiển nhân vật đằng đằng sát khí. Giai đoạn sau của manga, Kakashi thay đổi cách nói chuyện của mình và tạo cho nó một cảm giác thoải mái, với sự tử tế kiểu phụ nữ. Không có một khuôn mẫu nào cho Kakashi, Kishimoto muốn tạo ra một giáo viên điềm tĩnh, luôn giúp đỡ học trò mình trong những tình thế khó khăn.[7]

Kakashi đóng vai trò là sợi dây liên kết giữa các nhân vật chính khác trong series, vì vậy anh hiếm khi xuất hiện nổi bật trong những tranh vẽ quảng bá. Thay vào đó, anh xuất hiện ở phần nền trong khi học trò anh là trung tâm.[8][9] Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Shōnen Jump, Kishimoto nói rằng nếu ông làm câu chuyện bổ sung từ manga với một nhân vật khác, thì đó sẽ là Kakashi.[10] Đầu năm 2014, Kishimoto bình luận rằng ông muốn để lộ khuôn mặt của Kakashi, nhưng không chắc là điều này sẽ xuất hiện trong manga hay bộ phim điện ảnh sắp tới.[11] Raikiri (雷切, Lôi thiết) là một trong những nhẫn thuật nổi tiếng nhất của Kakashi, từng có một tên gọi khác nhưng tác giả đã quên. Tuy nhiên, ông thấy raikiri là tên gọi phù hợp với nhẫn thuật hệ lôi.[7] Tác giả quyết định thiết kế Kakashi có sharingan (写輪眼, Tả luân nhãn) nhằm tạo cho nhân vật sự bí ẩn vì chỉ những thành viên của tộc Uchiha mới có thể sở hữu nhãn thuật này. Đến chương 16 của manga, Kishimoto quyết định lên ý tưởng về cách mà Kakashi lấy được sharingan. Ông cũng nói thêm rằng khuôn mặt của Kakashi khó vẽ vì nó bị che bởi khăn bịt mặt.[12] Tháng 4 năm 2015, Kishimoto lần đầu tiết lộ khuôn mặt của Kakashi trong một cuộc triển lãm.[13]

Khi đặt tên cho nhân vật, Kishimoto cân nhắc một số khả năng: Kuwa (クワ, "cuốc"), Kama (カマ, "lưỡi hái"), Botan (ボタン, "hoa mẫu đơn"), Enoki (エノキ, "cây tầm ma"), và Kakashi (カカシ, "bù nhìn giữ ruộng"). Cuối cùng ông chọn "Kakashi" và đến giờ vẫn hài lòng với quyết định này.[14] Để cho tên gọi này đúng như nghĩa của nó, bù nhìn giữ ruộng được sử dụng để đại diện cho Kakashi. Lấy ví dụ là Naruto đã sử dụng bù nhìn ăn mặc giống Kakashi để giúp cậu luyện tập chuẩn bị cho bài kiểm tra khả năng chiến đấu giữa hai người.[15] Tương tự như vậy, bù nhìn đôi khi được thêm vào nền những cảnh mà Kakashi xuất hiện, như trường hợp của bìa manga Naruto tập 3.[16]

Trong phiên bản hoạt hình tiếng Nhật chuyển thể từ manga, Kakashi được Inoue Kazuhiko lồng tiếng. Inoue cảm thấy bất ngờ về việc Kakashi được nhiều người yêu thích, và mong rằng mọi người hãy tiếp tục ủng hộ nhân vật.[17] Trong một cuộc phỏng vấn, người lồng tiếng Anh cho Kakashi là Dave Wittenberg nhận xét rằng ông cảm thấy mình giống nhân vật ở chỗ là hay chỉ để một mắt mở, và thường nổi giận mỗi khi bị ngắt lời trong khi đọc. Ông cũng nói thêm rằng, điều ông thích ở Kakashi là mối quan hệ giữa anh với học trò mình, ghi nhận rằng anh là "một người rất tốt".[18]